Các nhà khoa học đi tìm lời đáp cho câu hỏi: Trái đất sẽ ra sao nếu chúng ta nói chung một ngôn ngữ?
Với tốc độ hội nhập hiện nay, việc một người có thể thành thạo 3-4 thứ ngoại ngữ là chuyện không hiếm. Nhưng liệu đã bao giờ bạn nghĩ thế giới sẽ ra sao nếu chỉ còn một ngôn ngữ duy nhất?
Thứ tiếng chung đó là của quốc gia nào – Mỹ, Pháp, Đức hay nước Việt Nam của chúng ta? Cùng xây dựng viễn cảnh đó bằng cách tìm hiểu những lợi ích và bất cập do “ngôn ngữ chung” mang lại qua thông tin từ trang How Stuff Works.
Theo dòng lịch sử…
Một số tài liệu cổ từng nhắc đến một khoảng thời gian loài người nói chung một thứ tiếng. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có bằng chứng thật cụ thể về ngôn ngữ mà người cổ đại từng sử dụng chung, dù có rất nhiều chuyên gia chỉ ra được những điểm tương đồng, đi kèm là những bằng chứng về nguồn gốc trong hệ ngôn ngữ lâu đời nhất còn tồn tại như tiếng Hy Lạp, tiếng Latin, và tiếng Phạn.
Theo Noam Chomsky – giáo sư ngôn ngữ học tại Học viện MIT (Mỹ), mọi ngôn ngữ từng tồn tại chỉ là sự chỉnh sửa phiên bản tiền thân của chúng.
Trong lịch sử cận đại, chưa lúc nào loài người sử dụng chung một ngôn ngữ và việc xác định số lượng ngôn ngữ gặp rất nhiều khó khăn. Hơn 10.000 năm trước, dù dân số thế giới mới chỉ khoảng 5 – 10 triệu người nhưng đã tồn tại tới trên 12.000 ngôn ngữ.
Hiện nay, trên thế giới ước tính chỉ còn khoảng 6.909 ngôn ngữ khác nhau, nhưng dự đoán đến năm 2100 con số này chỉ còn chưa đến 1/2 ngôn ngữ hiện tại. Với việc số lượng ngôn ngữ toàn cầu đang “thui chột”, liệu đến một tương lai xa hơn, loài người có quay trở lại sử dụng chung một ngôn ngữ?
Tương lai của ngôn ngữ
Ngày nay, toàn cầu hóa đã giúp con người kết nối với nhau ngay cả ở những vùng dân cư xa xôi, hẻo lánh nhất. Nhiều chuyên gia tin rằng, chúng ta đang hướng đến tương lai trong đó loài người sử dụng chung một ngôn ngữ. Theo đó, mỗi người sẽ tự trang bị thêm ngôn ngữ này, song hành với tiếng mẹ đẻ của mình.
Tuy nhiên, việc sử dụng ngôn ngữ chung lại dấy lên lo ngại rằng, nó sẽ khiến sự “đa dạng ngôn ngữ” bị mất đi. Nói về vấn đề này, hầu hết chuyên gia về ngôn ngữ đều cho rằng, điều này khó có thể xảy ra, thậm chí trong hàng triệu năm nữa. Nguyên nhân là do ngôn ngữ là đặc trưng của mỗi quốc gia, có nhiều sự ràng buộc với văn hóa, gia đình và thậm chí là bản sắc cá nhân.
Khi một quốc gia trở nên lớn mạnh, sự phát triển này sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng đến các nước trong khu vực và thế giới. Ngôn ngữ của quốc gia đó sẽ trở thành một “công cụ” cần thiết, thu hút sự tiếp thu nhằm giao thương và học hỏi với người dân nơi đây.
Cùng với đó, việc học ngôn ngữ để giao tiếp, giao thương khác hoàn toàn với “vinh hạnh” khi sử dụng tiếng mẹ đẻ. Với nhiều người, học một ngôn ngữ phổ biến là để “nâng cấp” bản thân cho tương lai, nhưng sử dụng tiếng mẹ đẻ mới là sợi dây nối họ với quá khứ.
Lợi ích của “ngôn ngữ chung”
Vậy việc sử dụng chung một ngôn ngữ duy nhất đem lại lợi ích gì? Một số người cho rằng, nếu mọi người sử dụng ngôn ngữ đồng nhất, nó sẽ làm giảm đi sự ngờ vực cùng hận thù giữa các dân tộc. Bởi ngôn ngữ là một mảnh ghép của rất nhiều điều tuyệt diệu tạo nên nhân loại, bên cạnh những lĩnh vực như âm nhạc, hội họa, ẩm thực và văn hóa vùng miền.
Không chỉ vậy, sử dụng ngôn ngữ chung, việc bạn giao tiếp tự do với phần còn lại của thế giới sẽ mở ra nhiều cơ hội học tập và làm việc, các mối quan hệ giữa người với người, hay quốc gia với nhau.
Tuy nhiên như đã nói ở trên, ngôn ngữ có mối quan hệ ràng buộc với văn hóa, vậy nên phải chăng khi một ngôn ngữ mất đi, văn hóa vùng đó cũng sẽ không còn. Khi tất cả ngôn ngữ trên Trái đất “quy về một mối”, hầu hết nền văn hóa gắn liền với ngôn ngữ cũng sẽ biến mất.
Điều này lại đặt ra một câu hỏi khác, đó là ngôn ngữ nào sẽ được sử dụng? Theo các chuyên gia, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sự thay đổi về quyền lực và kinh tế quốc gia theo thời gian – những động lực gia tăng nhu cầu tiếp thu ngôn ngữ.
Tuy vậy, đã từng có một ngôn ngữ được sáng tạo riêng nhằm mục đích trở thành “ngôn ngữ chung cho toàn nhân loại”. Đó là tiếng Esperanto hay còn gọi là “Quốc tế ngữ”.
“Quốc tế ngữ” được tạo ra vào năm 1887 bởi một học giả người Ba Lan – Ludwik Lejzer Zamenhof. Đây là một ngôn ngữ được đánh giá là khoa học, logic và dễ sử dụng.
Tuy nhiên, đây có thể coi là một ngôn ngữ “chết yểu” khi đến nay số lượng người sử dụng Esperanto làm ngôn ngữ thứ nhất chỉ khoảng 200 – 2.000 người, cùng khoảng 2 triệu người rải rác trên toàn thế giới sử dụng như ngôn ngữ thứ hai.
Phó giáo sư Matt Pearson thuộc ĐH Reed, thành phố Portland (Mỹ) lý giải nguyên nhân sở dĩ chúng “chết yểu” có thể là do “Quốc tế ngữ” không phải ngôn ngữ của một nền kinh tế hoặc chính trị nổi trội nào trên thế giới.
Hiện nay, trên thế giới có một số ngôn ngữ được sử dụng phổ biến trên thế giới như tiếng Quan Thoại, Ấn Độ hay tiếng Tây Ban Nha… Tuy nhiên hiện chỉ có một ngôn ngữ tiến gần nhất đến mốc “ngôn ngữ chung” – đó là tiếng Anh.
Có nhiều hơn 100 quốc gia nói và sử dụng tiếng Anh. Nhưng rất có thể trong tương lai, tùy thuộc vào sự thay đổi của kinh tế và chính trị các nước, vị thế của tiếng Anh có thể bị lật đổ.
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn không thay đổi, đó là con người ta luôn có xu hướng ưu tiên và dựa vào tiếng mẹ đẻ. Xét cho cùng, ngôn ngữ không chỉ là công cụ để giao tiếp mà còn là thứ kết nối với bản sắc của mỗi người.