“Dịch thuật hiện nay là một bức tranh tạp sắc, có những mảng đậm chúng ta không hề muốn, còn những mảng nhạt chúng ta muốn tô đậm thì lại không làm được”, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đánh giá.
Để lọt những câu dịch ngớ ngẩn là vì không biên tập
“Ba yếu tố của một nền dịch thuật là dịch, biên tập và phê bình. Trong ba yếu tố đó thì chúng ta làm được mỗi dịch”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, nêu nhận định.
“Không có phê bình cho sách dịch. Khi giới thiệu, chúng ta chỉ nêu nội dung và giá trị của sách gốc, không hề nhận xét một câu nào về bản dịch và dịch giả. Và mới đây, khi có một trang mạng nước ngoài chỉ ra các lỗi của nhiều bản dịch gần đây, chúng ta mới phát hiện ra rằng đến công đoạn biên tập cũng chẳng có nốt”.
Nhà phê bình lấy ví dụ là chi tiết “Bố em chết vì ung thư tử cung” trong bản dịch cuốn Hạt cơ bản để khẳng định: “Nếu có biên tập thì sẽ chẳng bao giờ xuất hiện những câu như thế trong sách. Dịch giả dù cố gắng đến mấy thì vẫn sai sót, nhưng có những sai sót lẽ ra tránh được”.
“Các nhà xuất bản, nhà sách hiện nay không có người đọc chuẩn một bản dịch chứ đừng nói là đọc đối chiếu bản gốc”, ông Nguyên tuyên bố.
Dư luận và báo chí: ầm ĩ nhưng nông cạn
Chỉ nhìn vào các bản dịch gây tranh cãi gần đây như Bản đồ và vùng đất, Vô tri, Hạt cơ bản của Cao Việt Dũng hoặc Lolita của Dương Tường (bị một trang mạng chỉ ra nhiều lỗi sai), nhiều độc giả lên tiếng chê bai nền dịch thuật. Bên lề hội thảo, khi được hỏi “Các bản dịch như thế là phổ biến hay cá biệt?”, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân trả lời: “Đó là những tai nạn nghề nghiệp, rất dễ gặp trong dịch thuật. Toàn bản dịch có thể tốt, nhưng vẫn có những lỗi như thế”.
Theo ông Ân, lỗi của người sáng tác bao giờ cũng nhẹ hơn rất nhiều so với lỗi của người dịch. Độc giả có xu hướng phê phán nặng nề một chi tiết dịch sai, trái lại dễ tính với một nhầm lẫn của bản gốc.
Riêng về bản dịch Lolita, ông Ân nói: “Dư luận xung quanh cuốn sách chỉ có mỗi chuyện dịch sai – dịch đúng, trong khi ý nghĩa sâu sắc của tác phẩm, việc nó xuất hiện khó khăn và gây tranh cãi cho đến tận bây giờ, độc giả không thèm biết đến. Đó là một điều quá đáng tiếc! Nhiều người vẫn nghĩ: Đây có phải là một tiểu thuyết sex? Hình như chẳng ai đọc sách đến nơi đến chốn cả mà chỉ lo tranh cãi lặt vặt.
Tôi thấy dư luận và nhiều tờ báo phản xạ rất nông cạn. Cực kỳ hời hợt nhưng lại ầm ĩ. Lolita là hiện tượng lớn của văn học thế giới, chúng ta đã bỏ qua phương diện đó”.
Khó có thế hệ dịch giả giỏi như thời trước?
Đó là ý kiến của một học giả – dịch giả uy tín. Theo lời kể của Giám đốc NXB Thế giới Đoàn Trần Lâm, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Viện (1913 – 1997), một người rất sành tiếng Pháp, trước khi qua đời đã nhắn rằng: “Các anh đừng bao giờ hy vọng rằng sẽ đào tạo ra một đội ngũ người dịch có thể viết trực tiếp bằng ngôn ngữ nước ngoài đồng thời thông thạo ngôn ngữ mẹ đẻ như chúng tôi. Bởi chúng tôi là di sản của nền văn hóa thực dân”.
Thành công lớn của ông Nguyễn Khắc Viện là bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp, được Viện Hàn lâm Pháp tặng giải thưởng Ngôn ngữ Pháp năm 1992. Dịch sang tiếng Pháp mà đến người Pháp cũng phải khen thì không phải chuyện đùa.
Lại nhớ thời trước, chúng ta có những dòng văn học nước ngoài được lập thành hệ thống và được định hướng đầy đủ, như văn học Nga và văn học Pháp. Chẳng hạn, có hẳn một thế hệ dịch giả cùng say đắm nước Nga và tiếng Nga, đóng góp không nhỏ trong việc dịch văn học Nga sang tiếng Việt: Thúy Toàn, Đoàn Tử Huyến, Bằng Việt… Chính các dịch giả này vừa lập Quỹ Văn học Nga mong làm sống lại dòng văn học này tại Việt Nam.
Đến nay, vẫn có một số dòng văn học (Mỹ, Trung Quốc, Anh, các nước Nam Mỹ…) nhưng dường như chưa đủ đậm nét. Quan trọng hơn, các dòng đó không hẳn dựa trên tình yêu sâu nặng của dịch giả đối với nền văn hóa nước bạn mà có xu hướng chạy theo các đầu sách best-seller.
Hội thảo dịch văn học: bàn bạc nhiều, thu hoạch ít
Bước vào hội thảo, sau phát biểu của dịch giả Thúy Toàn đánh giá toàn cảnh nền dịch thuật, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã đề nghị nội dung hội thảo nên xoay quanh vấn đề “dịch văn học”, đơn thuần chuyên môn, chứ không phải “văn học dịch” (còn có các khâu tác quyền, xuất bản…), và tập trung luôn vào dịch xuôi, tức là từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt. Còn dịch ngược thì cần hẳn một hội thảo khác.
“Tôi thấy chúng ta nói về cái toàn thể nhiều quá. Chỉ cần lấy riêng một trường hợp ra mổ xẻ sẽ rút ra rất nhiều vấn đề cho cả nền dịch thuật”, ông Nguyên “định hướng” cho hội thảo. Nhưng tiếc là hội thảo đã không đi theo hướng này, và thiếu hẳn đối thoại. Những ý kiến sau đó cũng đưa ra các vấn đề rất cụ thể, đúc rút từ thực tiễn nhưng mỗi ý một hướng, không cùng tập trung vào một trường hợp duy nhất nào cả. Giải pháp đưa ra cũng mỗi người một ý nhỏ, không có hệ thống, khiến hội thảo trở nên dàn trải.
Nếu như những người phát biểu thẳng thắn đưa hẳn một ví dụ tiêu biểu để mổ xẻ, chẳng hạn Lolita, thì có thể kết quả đã khác. Sự thật là chúng ta vẫn ngại chê. Một trường hợp khác được nêu ra, nhưng không gọi thẳng tên mà chỉ nói là “những sai sót vừa rồi của một dịch giả trẻ có tiếng”.
Thời gian một buổi sáng là không đủ cho một hội thảo chủ đề bao quát như thế này, nhất là với tham vọng của ban tổ chức: thảo luận các vấn đề dịch thuật và tìm cách giải quyết. Còn nhớ, hội thảo riêng về thơ Nguyễn Quang Thiều cuối tháng 6 đã được tổ chức trong một ngày.
Có thể thấy, hội thảo do Hội Nhà văn tổ chức chưa xới sâu các thiếu sót của dịch văn học hiện tại để giải quyết mà chỉ dừng lại ở mức độ nêu vấn đề.
Nguồn: thethaovanhoa.vn
http://www.thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/dich-van-hoc-can-ba-yeu-to-thi-thieu-mat-hai-n20120811065314138.htm