Lao động Việt Nam được đánh giá tốt về tinh thần sẵn sàng học hỏi và làm việc chăm chỉ nhưng lại gặp nhiều trở ngại về ngoại ngữ.
Tiếng Anh được coi là kỹ năng thành thạo đương nhiên ở một số nước nhưng đây vẫn là một trong những rào cản chính khi tuyển dụng nhân sự ở Việt Nam.
Trước thềm Việt Nam tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Công ty tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks có thực hiện khảo sát với trên 2.500 người lao động về lợi ích và hạn chế khi tham gia AEC.
Theo đó, 91% số người cho biết việc Việt Nam gia nhập AEC sẽ có lợi cho mình. Có 2 lợi ích được nhiều người tán thành nhất, đó là cơ hội học hỏi và tác phong làm việc. Cụ thể, trên 52% người cho rằng họ sẽ có thêm “nhiều cơ hội học hỏi và cọ xát với các chuyên gia và tài năng từ các nước trong khu vực ASEAN.”
Còn khoảng 46% cho rằng “văn hóa và tác phong làm việc quốc tế sẽ cải thiện văn hóa và tác phong làm việc hiện tại ở Việt Nam theo chiều hướng tốt hơn”. 70% trong số này cũng cho rằng người lao động Việt Nam đủ khả năng cạnh tranh với nhân lực ngoài nước khi Việt Nam gia nhập AEC.
Về những điểm bất lợi khi gia nhập AEC, nhiều người lao động cũng đã tỏ ra sự thiếu tự tin. Bất lợi lớn nhất mà đến 84% người đưa ra là có quá nhiều đối thủ cạnh tranh hơn trên thị trường lao động Việt Nam vì họ là những người thông thạo tiếng Anh. Bất lợi thứ 2, được nhiều người tán thành là “vì có nhiều lựa chọn ứng viên hơn, nhà tuyển dụng và doanh nghiệp có thể giảm mặt bằng lương bổng.”
Qua kết quả này, Giám đốc điều hành VietnamWorks Gaku Echizenya thừa nhận: “Chúng tôi thấy rằng đã có một nhóm nhỏ người lao động Việt Nam thiếu tự tin do khả năng ngoại ngữ kém, thiếu kỹ năng đàm phán công bằng về lương bổng với nhà tuyển dụng. Sự thiếu tự tin này càng thể hiện rõ khi có gần 70% người trong nhóm này cho rằng người lao động Việt Nam không đủ sức cạnh tranh với nhân lực nước ngoài một khi Việt Nam gia nhập AEC.”
Để vững tin gia nhập AEC, cả hai nhóm người lao động lạc quan và bi quan về việc gia nhập AEC đều cho rằng có 3 kỹ năng quan trọng nhất mà người lao động Việt Nam cần trang bị và phát triển để sẵn sàng cho AEC. Kỹ năng ngoại ngữ được 89% số người khảo sát đánh giá là quan trọng nhất. Hai kỹ năng quan trọng tiếp theo là giao tiếp (62%) và xây dựng lãnh đạo/quản lý (34%).
Ông Gaku Echizenya, cho rằng nhìn chung, người lao động Việt Nam xem ngoại ngữ là yếu tố quan trọng nhất trong việc cạnh tranh với nhân lực nước ngoài trong AEC. Thực tế đăng tuyển trên VietnamWorks.com cũng cho thấy, chỉ có khoảng 41% vị trí đăng tuyển ưu tiên cho các hồ sơ được viết bằng tiếng Anh.
Với những quan điểm khá rõ ràng này về lực lượng lao động trẻ tại Việt Nam, ông Gaku Echizenya tin rằng nguồn nhân lực quốc gia này sẽ đạt được những tiến bộ rõ rệt khi chính thức hội nhập vào AEC.
(ST)