Trong lễ ký kết hợp tác với Hội Xuất bản Việt Nam vào ngày (21/3), lãnh đạo Hội Xuất bản Indonesia đã có những chia sẻ thú vị về chủ trương phát triển xuất bản và văn hóa đọc.
Sang thăm Việt Nam lần thứ 2, lãnh đạo của Hội Xuất bản Indonesia tỏ ra hứng thú với mô hình đường sách TP HCM và tiềm năng phát triển của ngành xuất bản. Không chỉ ký kết hợp tác, mời Việt Nam tham dự Hội sách quốc tế Indonesia vào tháng 10 tới, đại diện nước bạn còn chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển lĩnh vực xuất bản.
Học sinh phải đọc sách trước khi bắt đầu học
Bà Lucya Andam Dewi, trưởng đoàn đại diện Hội Xuất bản Indonesia cho biết, ở nước bà có một đạo luật, nhằm khuyến khích lòng đam mê đọc sách với các em học sinh. Trước khi vào lớp, các em phải dành 15 phút đọc sách.
Những cuốn sách được trưng trong tủ sách đặt ở cuối lớp học. Đạo luật này cũng ghi rõ, loại sách học sinh đọc là sách tham khảo, sách văn học chứ không phải sách giáo khoa.
Đầu tư cho quỹ dịch thuật
Đại diện hội xuất bản Indonesia bật mí, ngành xuất bản của nước bạn nhận được sự ủng hộ lớn từ chính phủ. Riêng quỹ dịch thuật được hỗ trợ hàng triệu đô mỗi năm.
Số tiền này vẫn đang tăng lên. Cụ thể, năm 2014, quỹ được đầu tư 1 triệu USD thì đến năm 2016, quỹ được đầu tư tới 4 triệu USD, mỗi trang dịch thuật được ủng hộ 12 USD.
Phát triển sách điện tử
Hiện nay, doanh thu của sách điện tử ở Indonesia chiếm tỉ trọng còn khiêm tốn trong tổng doanh thu của ngành xuất bản nhưng vẫn tăng đều đặn mỗi năm 2%.
Hội xuất bản nước bạn chia sẻ, đối tượng hướng tới của sách điện tử là học sinh, quân đội. Trong đó, số lượng học sinh đọc sách điện tử đã đạt 1 triệu người.
Riêng quân đội thì sách điện tử ưu thế và phù hợp hơn hẳn vì dù di chuyển, hành quân liên tục cũng không lo mang vác sách. Hiện nay, ngành xuất bản đã bàn giao 4.000 cục phát sóng cho 4.000 sư đoàn của quân đội Indonesia.